pacman, rainbows, and roller s
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên


Phan_6

Mấy gian thư viện nho nhỏ, trên tường treo vài bức cổ họa tả ý. Cảnh trí trong tranh đều là sông nước Giang Nam, những dãy nhà dân trùng trùng điệp điệp, xây bên dòng nước, dựng bao quanh núi. Vài cây cầu nhỏ như ẩn như hiện, trải dài về phía vùng đất không rõ tên. Mấy chiếc thuyền chèo xuôi dòng, không biết sẽ đi về hướng nào, và sẽ cập bến nơi đâu?

Cổ tháp tọa lạc trên đỉnh Tích Sơn, im lặng cúi nhìn dòng kênh chảy suốt nghìn năm đó và khung cảnh phồn hoa của thành cổ Vô Tích. Nhìn thỏi mực quý của tiền nhân để lại, dạo chơi giữa ranh giới xưa và nay, những dấu ấn của nền văn minh xa xưa đó nay đã thương tích chất chồng, dường như tất cả trước mắt đều là sự bình tĩnh đã được ngụy trang. Nhưng chúng ta không có cách nào xé bỏ cảnh tượng này, để cho sự phi thường của năm tháng được phơi bày ra trước mặt.

Tiếp tục đi về phía trước theo tiếng nước chảy, bạn sẽ thấy những bức tường đá chất tầng tầng lớp lớp thành muôn hình vạn trạng. Những bức tường đá này không biết là do tự nhiên tạo thành, hay là do con người cố ý tu chỉnh? Tuy cái đẹp của sinh mệnh bắt nguồn từ tự nhiên, nhưng nếu không trải qua sự nhào nặn của năm tháng, tự nhiên cũng sẽ biến thành đơn điệu và vô vị. Duy chỉ có dùng cái tâm thuần túy để thưởng thức, mới có thể phát hiện được chân ý của cái đẹp.

Chọn một chiếc ghế đá sạch mát để ngồi, ngắm đàn cá lượn lờ đùa trong nước. Chúng luôn được hưởng thụ những đồ ăn ngon của du khách cho, không cần lo lắng bị bắt bởi lưới của người đời. Chỉ là có lẽ chúng sẽ thấy chán chường vùng tịnh thổ nhỏ bé này, thà vẫy vùng trong sông hồ biển lớn, sống cuộc sống bình thường nhất từ xưa tới nay còn hơn. Cá đã như thế, huống chi là người, vạn vật trên thế gian đều phải tuân theo quy luật của tự nhiên mới có thể lâu dài vĩnh viễn.

Đường nhỏ vòng vèo, trên tường đá khắc rất nhiều bức thư pháp của danh gia thời cổ, những thể chữ khác nhau ngụ chứa tâm tính khác nhau của họ. Những vết khắc sâu có nông có đó không che giấu nổi cuộc đời chìm nổi và cả vận mệnh phóng khoáng của họ. Mỗi một hàng văn tự dường như đều có thể cho thấy hình bóng thu nhỏ của cuộc đời những con người ấy. Có lẽ người xưa cũng chưa từng nghĩ rằng, sau vài năm, ở nơi này sẽ lại có một lần tụ hội.

Cổ thụ um tùm, nơi sâu nhất của khu vườn cảnh lại càng thanh vắng. Đi qua hành lang, đi qua cầu đá, trên mặt đầm có mấy chiếc lá đỏ rụng, trôi dập dềnh trên mặt nước. Lá đỏ dường như luôn có mối liên quan đến mùa thu, giữa cái se se lạnh của mùa thu luôn mang theo chút buồn man mác. Mà những người dạo chơi trong khu vườn không biết là sẽ làm kinh động giấc mộng của ai.

Lòng vòng quanh hang núi suối khe, khi đi ra, lại về con đường lúc mới đến. Đời người tựa như một vòng luân hồi, bốn mùa luân chuyển, triều đại đổi thay, cho dù phong vân biến ảo như thế nào, đến một ngày nào đó, đều quay trở về phẳng lặng. Ký Sướng viên cũng như vậy, trải qua phồn thịnh và suy thoái, kế đó lại được những người của các triều đại khác nhau tu sửa và phá hỏng, làm sao còn có thể như lúc ban đầu? Khi chúng ta nhìn thấy những kiến trúc cổ được tân trang đó, rất nhiều thợ thuyền đương nhiệt tình ra sức tu sửa trang trí. Vài năm sau, gạch xanh ngói đen dần dần thay đổi, lại không nhìn ra nổi những vật cũ của năm nào. Những người đến tìm mộng năm đó, còn có thể tìm được những gì?

Đường đến là đường về, có lẽ Ký Sướng viên vẫn còn rất nhiều phong cảnh, đợi chúng ta đến khám phá; và còn có rất nhiều câu chuyện, chờ được chúng ta phát giác. Nhưng đời người khó tránh khỏi lầm lỡ, chúng ta không cần phải cố ý kiếm tìm.

Đều là khách qua đường, nên chẳng thể là người trở về của chốn này, cũng không cần quyến luyến với cây cỏ nơi đây. Cho dù tương lai có thể trùng phùng hay không, chỉ cần lưu giữ lại ký ức về non nước lầu gác, ung dung qua ngày, thưởng thức niềm vui của đời người là tốt rồi.

Đi ra khỏi khu vườn Giang Nam, trong con ngõ nhỏ lát đá xanh kéo dài tít tắp là những ngôi nhà vùng sông nước. Ở cửa ra vào bày những chiếc ghế tre cao thấp khác nhau, các cụ già túm tụm uống trà trò chuyện. Không biết trên chiếc sào phơi áo vắt trên cửa sổ gỗ kia treo chiếc váy hoa của nhà ai, đang phất phơ bay bay trong làn gió nhẹ. Không hay những người khách qua đường lưng đeo tay nải ấy, bến tiếp theo sẽ đi về đâu?

Tháng năm như nước, sẽ có một ngày chúng ta đặt hành trang của thế tục xuống, trở về thị trấn nhỏ có ngói đen tường trắng này. Khi ấy, uống một chén trà nhàn nhã từ sớm hôm tới hoàng hôn, cùng bầy én bay về hồi tưởng lại đoạn quá khứ mây nước đó.

Thành cổ Đại Lý

Mỗi con người đều có một tòa thành thuộc về chính mình, cho dù tòa thành đó rộng rãi hay nhỏ hẹp, phồn hoa hay lạnh lẽo. Chỉ cần trong thành có một người, một ký ức, một phong cảnh mà mình nhung nhớ, thì đều nguyện một đời ở lại nơi đó. Đại Lý, từng là một tòa hoàng thành, và cũng là một tòa Phật quốc, đã từng có phong hoa tuyết nguyệt, lại ẩn chứa Vân Thủy Thiền Tâm. Biết bao người bước vào tòa thành này liền không kìm được yêu mến nó. Có lẽ nó không phải tòa thành định mệnh của bạn, nhưng chắc chắn rằng, tất cả mọi người đến đây đều không thể quên được nó. Đến Đại Lý là vì mối duyên tình không dứt từ kiếp trước.

(1) Thương Sơn Nhĩ Hải

Đây là một thành thị nổi danh nhờ phong hoa tuyết nguyệt, chỉ cần bước vào Đại Lý, giơ tay ra là có thể sờ được vào sự lãng mạn, cúi mày là có thể chạm tới sự dịu dàng. Nói đến Đại Lý, rất nhiều người đều nhớ đến “Thiên Long Bát Bộ[19]”, nhớ đến Lục Mạch thần kiếm, nhớ đến hoa trà của Đại Lý, nhớ đến Đoàn Dự văn nhã đa tình. Một tiểu quốc phía Nam, cho dù là giang hồ mưa máu gió tanh cũng chưa từng càn quét nơi này. Dường như nó luôn là một vương giả vô tâm, không thích phân tranh chiến loạn. Cho nên từ rất nhiều năm về trước, nó đã trút bỏ sự uy nghiêm của đế vương, đóng cổ thành thành một cuốn sách năm tháng êm dịu, để muôn vàn bách tính cùng điềm tĩnh ngồi đọc.

[19] Thiên Long Bát Bộ: Tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung.

Thương Sơn Nhĩ Hải (núi Thương biển Nhĩ), là phong cảnh tự nhiên của Đại Lý, chỉ riêng chúng đã đủ sức để mang lại sự lãng mạn tuyệt đẹp cho thành phố này. Tuyết Thương Sơn ngàn năm không tan, trăng Nhĩ Hải vạn cổ trường tổn, còn có suối Hồ Điệp trong vắt mát rượi, chúng đồng hành với thời gian của Đại Lý, nuôi dưỡng tinh thần của cổ thành, khi rất nhiều thành thị trong lịch sử dần dần đánh mất dung mạo thuở xưa, Đại Lý vẫn giữ được khuôn trang thanh tân như thuở ban đầu. Những chúng sinh mê đắm trong phồn hoa đó, trong những tháng ngày hối hả, đến cả vui buồn cũng đều vội vã. Khi họ bước chân vào Đại Lý, liền cảm thấy yêu sự đơn giản và yên bình, tĩnh lặng nơi này. Mới biết rằng, hóa ra cuộc sống cũng có thể chậm lại như thế, dạo bước sân vắng chính là trạng thái nhân sinh hoàn mỹ.

Tuyết Thương Sơn óng ánh nhuần nhã; mây Thương Sơn biến ảo đa dạng; suối Thương Sơn ngọt ngào tinh khiết. Chi cần vô tình tới thăm, không cần một lời hẹn ước, mỗi du khách đều có thể tan vào Thương Sơn. Để bản thân ngọc khiết băng thanh như tuyết, yểu điệu rung động như mây, tâm sáng kiến tính như suối. Nước Nhĩ Hải phẳng lặng xanh biếc; gió Nhĩ Hải ôn tồn êm ái; trăng Nhĩ Hải trong vắt sáng soi. Nước nơi này cũng từng sóng lớn ập bờ, nhưng càng lâu về sau, lại càng phẳng lặng không gợn. Gió nơi này có thể trị thương, ngồi trên thuyền, những nỗi buồn thương của mặt hồ xanh thẳm của quá khứ, dần dần được xoa dịu trong gió. Trăng nơi này trong sáng đến mức có thể cầm sách ngồi đọc, nhóm lò nấu trà. Lúc yên ả, cũng có thể thưởng thức hương trà, gối đầu lên ánh trăng mà ngủ thiếp đi.

Ở Đại Lý, Thương Sơn Nhĩ Hải, có thể nấu thế vị nồng đậm thành một bát trà nhạt. Người đến Đại Lý, từ ngày đầu tiên sẽ yêu ngay bát trà này. Trà này, giống như cuộc sống ở Đại Lý, thanh đạm, yên ả, êm đềm.

(2) Ba tháp chùa Sùng Thánh

Đại Lý, nhờ có chùa Sùng Thánh, nên mới có danh hiệu Diệu Hương Phật Quốc. Mà ba ngọn tháp ở chùa Sùng Thánh sừng sững tọa lạc trong thành cổ với một khí thế vững vàng phi thường, lưng dựa Thương Sơn, mặt đối Nhĩ Hải, chứng kiến văn hóa Phật giáo của Đại Lý, phong tình nghìn năm của Vân Nam.

Đây thực sự là một tòa Phật đô, năm đó phong trào sùng Phật hưng khởi, chùa Phật lớn nhỏ có đến hơn ba ngàn ngôi, phân bố khắp trong nội cảnh Vân Nam. Phật gia chú trọng duyên pháp, tin vào nhân quả, trong thành Đại Lý trên từ đế vương khanh tướng, dưới xuống bình dân bách tính, đều kết túc duyên sâu đậm với Phật. Trong hai mươi hai đời quốc vương Đoàn thị của nước Đại Lý, có chín vị hoàng đế từ bỏ hoàng vị, đến chùa Sùng Thánh xuất gia. Chúng ta cơ hồ có thể tưởng tượng được, Đại Lý khi đó gần như bị khói hương bao trùm, khắp nơi là Thiền vị từ bi thấm đẫm.

Tâm có bồ đề mới có thể giác ngộ nhân sinh. Tu Phật, tức tại tu tâm, không phải là tránh đời, không phải né trần, mà là vì siêu thoát cho bản thân, độ hóa cho muôn vàn chúng sinh. Ngước trông ba tháp, dưới bầu trời xanh, trong làn nước biếc, khiến lòng người chợt nảy sinh một cảm giác thanh tĩnh xa xôi và đầy sức sống. Dường như Đại Thiên thế giới, vạn vật ảo diệu, đều dung nạp trong đó. Trên thế gian này, không một độ cao nào có thể vượt qua nó; không một loại tâm tình nào có thể đuổi kịp nó.

Tháp chính của ba tòa tháp có một cái tên rất nặng tình, gọi là Thiên Tầm (nghĩa là: nghìn lần tìm kiếm). Không biết năm đó ai đã đặt một cái tên sinh động đến vậy cho bảo tháp, có thể là một vị cao tăng, có thể là một vị đế vương, hoặc có thể chỉ là một kiến trúc sư bình thường. Thiên Tầm, Thiên Tầm, không ai biết nội dung sâu sắc ký gửi đằng sau hai chữ Thiên Tầm là gì, có lẽ phải là một câu chuyện đầy xúc động. Chỉ là, qua mây nước nghìn năm, tên ngọn tháp này vẫn làm cảm động vô số người.

Ba tòa tháp của chùa Sùng Thánh có tạo hình tương tự với Đại Nhạn tháp, Tiểu Nhạn tháp ở Tây An, là kiến trúc mang phong cách đời Đường, dát vàng đỉnh tháp, thể hiện sự tôn quý và hoa lệ một cách rõ ràng. Ba ngọn tháp mạnh mẽ, vươn thẳng vào trời xanh, khí thế hùng hồn. Trên tầng mây, dường như đang có nghìn Phật tĩnh tọa đài sen, lặng ngắm phàm trần suy thịnh. Những người ngồi nhìn hai bờ của thời gian đó, năm năm tháng tháng, đã không biết đổi thay bao lần. Mà ba tòa bảo tháp trải qua ngàn năm mưa gió, vẫn nguy nga sừng sững. Không tìm kiếm nữa, không đợi chờ nữa, chỉ vì ở Phật quốc này, tu một đoạn duyên phận, độ một người qua đường, đổi lấy một khoảng mát lành.

(3) Nhà ở của dân tộc Bạch ở Hỷ Châu

Nói đến dân tộc Bạch, rất nhiều người sẽ nghĩ tới bộ phim “Năm đóa kim hoa” nổi tiếng trong và ngoài nước, bộ phim này đã phô bày cho khán giả xem phong tục nhân tình của dân tộc Bạch giỏi ca múa, khiến những người chưa từng tới Đại Lý càng thêm phần ngưỡng mộ đối với văn hóa lịch sử mê hồn của tòa thành này. Những người đến đây càng nguyện ý trồng cho mình một cái cây, nhuộm một tấm vải, hái một cành hoa, chỉ vì muốn một ngày nào đó trong tương lai, có một lý do để mà nhung nhớ.

Hỷ Châu, một tiểu trấn tọa lạc giữa vùng non nước, giống như chốn đào nguyên thế ngoại, người biết đến nó có lẽ không nhiều. Nhưng dân cư Hỷ Châu lại đặc trưng cho phong cách của dân tộc Bạch ở thành Đại Lý, người đến Đại Lý nhất định sẽ tìm đến nơi này. Nó im lặng giữ gìn thời gian xa xưa của thị trấn, đợi chờ tri kỷ một đời trong duyên phận của mình.

Trời Hỷ Châu xanh ngăn ngắt, mây bay la đà, hễ bạn vươn tay ra là có thể hái được một áng mây bạn muốn. Nhà nhà ở Hỷ Châu đều có đình viện, họ trồng hy vọng trong sân, cày xới xuân thu, truyền ngày tháng thu hoạch lại cho đời sau. Đình viện nơi đây rất xưa cũ, gạch xanh ngói đen, và còn những bình phong, cửa sổ điêu khắc hoa văn tinh xảo, cho dù trầm lặng, nhưng không phút nào giây nào quên nói cho khách đến biết quá khứ xa xăm của tiểu trấn Hỷ Châu.

Phố cổ Hỷ Châu là một người già biết bao câu chuyện, đi ngang qua đó, những năm tháng lịch sử xa xôi ấy sẽ chậm rãi xuất hiện, dường như không cần xét đoán, cũng biết được câu chuyện đời này kiếp trước của Hỷ Châu. Cỏ cây, tường núi, lầu cửa, phường nhuộm nơi này, sẽ không hề mệt mỏi đem những ký ức đã cất giấu giao phó cho mỗi người đi tìm nó.

Người dân tộc Bạch chất phác, sống cuộc đời hạnh phúc nơi cổ trấn Hỷ Châu. Sự yên tĩnh, bình yên và cổ kính nơi đây khiến người ta cảm thấy thân thiết và yêu thích tự đáy lòng. Thời gian thật có tình, sẽ không vội vã trôi qua. Chúng ta có thể thong thả ngắm nhìn những người già trồng hoa chăm cỏ trong những khoảnh sân vườn, những bà mẹ rửa rau bên khe suối, những cô gái nhuộm vải trong phường vải, những đứa trẻ nô đùa bên góc tường. Cho đến khi sự xúc động trong trái tim dâng đầy đôi mắt, khoảnh khắc này, bạn cũng đã chìm vào những câu chuyện trăm năm của Hỷ Châu. Từ đây về sau, chỉ cần nhắc đến ký ức này, cho dù mê lạc nơi nào, đều có một bến đò dẫn dắt bạn lên bờ.

Có lẽ, chúng ta đều không phải là chủ nhân của nơi này, nhưng đời này đã định rằng sẽ có một đoạn tình duyên như bèo tụ. Ngỡ rằng năm tháng âm thầm thay đổi, quay người, hóa ra năm tháng vẫn nơi đây.

(4) Thành cổ Đại Lý

Ai cũng nói nói thành Đại Lý bốn mùa như xuân, có gió dịu nhẹ, có mây bảy màu, hoa cỏ xinh tươi và ánh dương trong sáng. Đến nơi này là có thể lãng quên giang hồ, vứt bỏ quá khứ rối rắm, chuyên tâm làm một người cuồng nhiệt yêu mến cuộc sống.

Đi qua tường thành cổ kính của Đại Lý, lịch sử của cả vương quốc Đại Lý như một cuốn sách không có chữ, khắc hết thảy nền văn hóa lâu dài vào bức tường cổ này. Đứng ở phía bên trong tường thành có thể thực sự chạm được vào mây khói yên tĩnh, sự mềm dịu tinh tế và cả sự dịu dàng ngày hôm qua của tòa thành này. Thành cổ Đại Lý mộc mạc cổ kính mà u tĩnh, hoa cỏ phủ kín khắp thành, nước suối trong vắt chảy róc rách. Người Đại Lý trồng rất nhiều loại hoa trong sân vườn nhà mình, sống cuộc sống chậm rãi. Hàng ngày, trên gương mặt mỗi người đều ánh lên nụ cười bình thản, thật lòng yêu mến cuộc sống của mình.

Đây là tòa thành mà người ta không nhẫn tâm phụ bạc, cũng không thể phụ bạc. Từ khi tỉnh dậy ban sớm, đón nhận tia nắng đầu tiên của thành cổ, là đã định trước bị tòa thành này cảm nhiễm. Nó không cần nghiêng thành vì bạn, chỉ cần dưới bầu trời Đại Lý, nói chuyện với một đóa mây trắng, uống một chén sương trong lành của trà hoa núi, đánh một ván cờ với một cụ già dưới bóng cây, hay nhặt một làn rau cùng cụ bà trong một khoảng sân. Một ngày bình dị được người Đại Lý ngâm trong chén trà, vẽ lên cửa sổ, nhuộm mài trong vải. Lúc hoàng hôn, tiểu thành thong thả lại càng yên tĩnh hơn trong sắc chiều. Những dây leo xanh thẫm leo trên tường luôn nhắc nhở chúng ta nhớ về một cuộc gặp gỡ không thể nào quên của nhiều năm về trước. Người trở về, ngửi thấy hương hoa, giẫm lên ánh tà dương như dát vàng, là đang tiễn biệt hoàng hôn, nghênh đón ánh trăng.

Đây là một tòa tiểu thành đắm chìm trong hồi ức, mỗi một phong cảnh của nó đều khiến thời gian muốn dừng bước, hoài cổ một cách dịu dàng với nó. Đã thấy phong hoa tuyết nguyệt, lại thấy Thiền Tâm Vân Thủy, hành trang của năm tháng đã ních đầy. Sân khấu của lịch sử, mỗi ngày đều đổi thay nhân vật, Đại Lý, nhất định còn có rất nhiều truyền kỳ mà người ta không biết. Những câu chuyện đó được cất giấu trong đóa mây bảy sắc, cất giấu trong đời sống vụn vặt, hết thảy đều gửi gắm cho ngày tháng, thưởng thức từng chút từng chút một.

Nếu như có thể, hãy để bản thân biến thành một chú bướm màu bay lượn bên Hồ Điệp, hoặc là một đóa mây trắng lướt qua tường thành, chuyên chở cuộc gặp gỡ và ly biệt này. Chỉ cần không bay qua Thương Sơn Nhĩ Hải, lúc vươn tay, chúng ta có thể chạm vào tòa thành tên là Đại Lý này, tòa thành cả đời chẳng thể nào quên.

Lệ Giang phong tình

Tôi không biết, Lệ Giang mà tôi đã tương ngộ trăm ngàn lần trong mộng, đến nay mới thấy rõ dung nhan thì nên coi là lần đầu gặp gỡ hay là trùng phùng. Non nước tao nhã, phong tục nồng đượm, còn mang một vẻ đẹp trước đây chưa từng thấy, dần dần thắm sắc rực rỡ trong sinh mạng. Đi trên những cây cầu nhỏ và những con phố đan xen nối liền, bạn sẽ cảm thấy bụi bặm của Lệ Giang đều là phong tình ý vị cả.

Cho dù bạn mang một cõi lòng bình tĩnh phẳng lặng thế nào, cũng sẽ bị cảm nhiễm bởi sự phong tình tràn ngập trong không khí, hương thơm chưng cất từ phong tục ngàn năm có thể thanh tẩy bạn thành “phong tư vạn chủng”. Khi tôi mang theo hành lý, một mình đặt chân tới Lệ Giang, tôi đã biết, suốt chặng đường sẽ có biết bao tình cảm quyến luyến với tôi như thế.

Có người nói, thời gian ở Lệ Giang là êm dịu nhất, nó có thể khiến thế tục cứng nhắc biến thành uyển chuyển nhẹ nhàng. Có người nói câu chuyện ở Lệ Giang là phong tình nhất, nó có thể khiến cuộc sống phẳng lặng thành rực rỡ tươi sáng. Thậm chí, có người nói non nước Lệ Giang có thể trị thương, nó có thể chữa lành vết sẹo của quá khứ, khiến trái tim bạn thấu triệt sáng rõ. Lệ Giang đúng là một nơi độc đáo đặc biệt của thiên nhiên, nằm trên cao nguyên Vân Quý xa xôi, coi sự dâu bể của Trà Mã cổ đại là nội dung chi tiết, lại lấy sự thanh khiết của Ngọc Long Tuyết Sơn làm bối cảnh, vừa chất phác lại vừa ý vị, phong tình mà không diễm lệ.

Năm tháng ở nơi này, chẳng qua chỉ như nước chảy, không một chút đổi thay. Vẻ đẹp rơi rớt lại nơi này từ trăm nghìn năm trước, trăm nghìn năm sau vẫn có thể tìm được. Dạo chơi giữa phong cảnh thiên nhiên của Lệ Giang, bất cứ một giây phút vô tình nào cũng sẽ khiến bạn lạc vào ký ức xa xôi, chìm đắm trong những chuyện cũ xa xưa và những tình cảm hoài niệm. Đây chính là Lệ Giang, khắc ghi trong trái tim mỗi người bằng phong thái thần kỳ và ý vị đặc biệt của mình, để những người đánh mất ngày hôm qua tìm được ngày hôm nay, lại khiến những người có được ngày hôm nay hướng về ngày mai.

Thành cổ giống như một câu chuyện chưa từng được mở ra, âm thầm đóng kín ở Lệ Giang bằng một gam màu và phong cách riêng. Trên tầng tầng lớp lớp ngói xanh lưu cữu bụi bặm của bao triều đại khác nhau, trong sự sâu lắng mang theo sự thuần túy, trong sự thuần túy lại hàm chứa sự nguyên thủy. Nơi đây chưa từng bị những tâm sự không tên xâm lấn, cũng chưa từng bị những tình cảm vô cớ lấn quấn, chỉ là giữa phong cảnh thuần phác vẫn giữ được một sự tùy ý mà tự nhiên, khoáng đạt mà cố chấp.

Đối với Lệ Giang, tôi cũng giống như tất cả mọi người, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc tiến vào, đi tìm sự trầm tĩnh an nhiên giữa năm tháng phù hoa, theo đuổi sự thanh tao thoát tục giữa tục thế xô bồ. Trong những ngày đơn sơ nhàn nhã ở Lệ Giang, đến nỗi buồn rầu cũng trong sáng, bạn có thể xuyên qua sự mênh mông của thời gian để tìm lại bản thân chân thực của mình. Nơi đây sẽ khiến bạn quên đi những dĩ vãng mệt mỏi đó, cũng không cần lo lắng ngày tháng sẽ lặng lẽ trôi đi, bởi vì Lệ Giang bình lặng vĩnh hằng, cho dù mười năm nữa trôi qua, bạn vẫn có thể có được sự thuần túy và tươi đẹp của nó.

Phong cảnh sinh ra vì hiểu lòng người, nhưng phong cảnh của đường Tứ Phương lại sinh ra vì mỗi người khách qua đường bình thường. Cho dù bạn có thực sự hiểu được không, hay không hề biết gì, đều không quan trọng, nó sẽ dùng một tình ý giống nhau để lọt vào mắt bạn, mang lại cho bạn sự dịu dàng của ánh dương. Những con đường lát đá ngũ sắc bị năm tháng mài giũa trở nên sáng bóng, cho là ngày nắng hay là ngày mưa, đều mang lại cho người đi được một cảm giác mát rượi, yên bình. Những cửa tiệm tạp hóa hai bên đường bày đủ các sản vật của dân tộc Nạp Tây, cho dù là gỗ khắc hay vải nhuộm, chuông lạc đà hay trang sức bạc, đều mang lại cho bạn muôn vàn bất ngờ, vui sướng.

Mỗi một đồ vật đều níu giữ một tình cảm khó nói thành lời, dù bạn có dần dần đi xa, nhưng cũng đã từng có một cuộc tương phùng dịu dàng, gặp gỡ ở phía nam của mây màu, gặp gỡ ở Lệ Giang của thành cổ. Cắt một khoảng phong cảnh Nạp Tây đưa vào ký ức tuổi trẻ, hoặc hái vài đóa mây màu của Lệ Giang nhét vào hành lý của khách qua đường, nhiều năm về sau, bạn sẽ nhiều lần nhớ lại khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời đã từng có ở nơi đây. Khoảnh khắc này sẽ nhốt bạn trong chiếc gương của thời gian, nhìn thấy tất cả mọi vật bên ngoài thời gian, nhưng không thể bước ra ngoài.

Đi xuyên qua ngõ đá, bạn không cần đoán xem con đường nào sẽ dẫn đến phong cảnh tuyệt mỹ hơn, bởi vì bất cứ nơi nào cũng đều lưu giữ phong vận xưa cũ của Lệ Giang. Chỉ cần nhè nhẹ bước vào, là sẽ phải bất ngờ, ngạc nhiên. Mà cổ nhạc Nạp Tây chính là khúc tiên nhạc giữa chốn nhân gian, nó lạc trong giấc mộng của thành cổ, làm run rẩy sợi dây đàn trong trái tim mềm yếu của người qua đường. Văn hóa Nạp Tây đã khắc sâu phong cách cổ xưa mộc mạc vào từng mái ngói, khung cửa sổ của Lệ Giang, và từng ngõ ngách, cây cầu nơi đây.

Những bức bích họa thuần phác đơn sơ, đậm phong vận độc đáo và chữ viết Đông Ba[20], mang chút gì đó hoặc hào phóng, hoặc uyển chuyển, bộc lộ tính tình tự nhiên, ôn hòa của người Nạp Tây, cũng phô bày nền văn hóa nghệ thuật đa dạng phong phú, muôn hình vạn trạng của dân tộc này. Những chữ viết hình tượng nhìn tưởng chừng đơn giản tầm thường nhưng lại phức tạp hàm súc đó, khiến cho bạn nảy sinh một ảo tưởng vô hạn đối với phong tình tập quán của Nạp Tây. Mỗi một ký tự đều cần sự trầm tĩnh của tâm hồn, múa may theo những tư thế lả lướt của chúng, quay về với thời gian cổ xưa lúc ban đầu, vẫy gọi những tình tiết nồng đậm tận đáy sâu của lịch sử. Mỗi một hình ảnh đều giải thích cho những ý nghĩa sinh mệnh khác nhau, nếu bạn không thể tìm hiểu sâu, thì hãy coi nó là phong cảnh của Giang Nam, còn bạn chính là người ngắm cảnh đến từ phương xa đó. Quay người rời đi trong phút chốc, biết bao tình cảm quyến luyến mà bạn để lại, sẽ mang theo một đoạn ký ức không lời.

[20] Chữ viết Đông Ba: Một loại chữ viết tượng hình cổ, chủ yếu được sử dụng trong giáo phái Đông Ba, dùng để viết kinh văn, vì thế còn được gọi là Đông Ba văn. Sở dĩ có đoạn miêu tẻ, so sánh chữ Đông Ba với những điệu múa lả lướt ở phía sau là do tự dạng chữ Đông Ba không phải khối vuông, nhiều các nét tròn, cong, uốn lượn.

Mộng như chuông lạc đà kinh động trăng sáng, tâm như lá thu nhuộm đỏ núi xanh. Trong con ngõ cổ đang ngả bóng về chiều đó, loáng thoáng nghe thấy tiếng chuông ngựa tinh tang như gần như xa vẳng tới, đánh thức lòng ngưỡng mộ trăm mối chằng chịt đối với con đường cổ Trà Mã[21] của tôi. Đó là một con đường cổ – nơi ngưng tụ của văn minh Trà và Ngựa, những bầy ngựa lớn bôn ba trên cao nguyên đầy tuyết, tìm một con đường sinh tồn và con đường nhân sinh bằng tinh thần cương nghị quả cảm của chúng. Chúng đã từng vô số lần dừng chân ở tòa thành cổ Lệ Giang này, mang theo bụi trần xa lắc, lại lưu những dấu ấn của cuộc trường chinh.

[21] Đường cổ Trà Mã: Chỉ con đường lưu thông thương mại quốc tế dân gian, nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, dùng bầy ngựa làm phương tiện giao thông chủ yếu, là hành lang giao lưu văn hóa kinh tế dân tộc Tây Nam Trung Quốc.

Đứng trên ngã rẽ của ngõ cổ, nhìn về làn khói xanh mơ hồ phía xa xa, sàn đá trơn bóng đó không biết đã bị bao nhiêu dấu chân mài nhẵn mịn. Nơi đây như một con ngõ luân hồi, đi xuyên qua nó có thể tìm thấy kiếp trước, mà đi ra khỏi, lại có thể tìm về kiếp này. Đời này kiếp trước của Lệ Giang được rất nhiều người tìm kiếm không biết mệt mỏi, họ mang những câu chuyện buồn vui của bản thân đến đây, thanh thản rũ bỏ quá khứ, chỉ giữ lại một đoạn thời gian lặng lẽ này. Cho dù tương lai là dừng lại hay là cách xa, đều không còn quan trọng, chỉ vì ta đã từng có điều này.

Rêu phong của năm tháng vẫn xanh thẫm như thuở ban đầu, Lệ Giang đêm nay có thể vẫn còn mộng ước. Tiếng tiêu hồ lô nhẹ nhàng bay bổng thổi đi thổi lại khúc “Trúc Quan Âm dưới ánh trăng[22]”, cùng ánh đèn dịu dàng trong sắc đêm hòa quyện, quấn quýt suy tư của bạn, làm si mê ý niệm của bạn, mê hoặc tình cảm của bạn. Cho dù vẫn còn những tâm sự khó có thể gác sang bên, nhưng ngắm dòng suối mát lành trong trẻo đã khiến bạn bình tĩnh trở lại.

[22] “Trúc Quan Âm dưới ánh trăng”: Một nhạc khúc của dân tộc Thái, tiêu hồ lô cũng là một nhạc cụ của dân tộc này.

Từng chiếc đèn hoa sen trong nước trôi dập dềnh giữa năm tháng tươi đẹp, kể lại từng câu chuyện cũ của thành Nam năm nào. Cây cầu nhỏ cổ kính, dòng nước cổ kính, phường trà cổ kính, đến quán bar cũng cổ kính, biết bao thứ cổ kính ấy xâu chuỗi với nhau, tạo thành một phong cảnh giữa màn đêm, thêu dệt nên những giấc mộng khác nhau trong lòng những người khác nhau. Chính những chiếc bóng của thời gian nhìn tưởng chừng đơn giản cổ lỗ này, lại mang đến sự phong tình thú vị vô tận cho những người tìm mộng. Tôi không biết kiếp trước mình đã đến đây hay chưa, mà sao hết thảy đều quen thuộc đến thế, quen thuộc đến mức giống như một cố nhân lâu ngày không gặp, không cần nói gì đã hiểu hết thảy chuyện cũ ngày qua của nàng, hiểu cả dung nhan ngày nay của nàng, và cũng hiểu cả hồi ức ngày mai của nàng.

Chắc chắn ở Lệ Giang còn có phong cảnh mà tôi chưa từng đến, nhưng thể nào vẫn có biết bao ánh mắt lưu luyến khiến tôi đau lòng, thể nào vẫn có những nụ cười mỉm ngọt ngào khiến tôi cảm động. Ở Lệ Giang, tôi không phải là người lần đầu mới tới, cũng không phải là người cuối cùng đặt chân đến. Rất nhiều năm về trước, có rất nhiều người trèo đèo lội suối kiếm tìm nó, và càng có nhiều người hơn nữa luôn nâng niu cất giữ nó bằng một thứ tình cảm sâu nặng.

Tôi từng nghĩ rằng sẽ dùng cuộc đời để khắc ghi, từ đây quên lãng giang hồ, già đi ở Lệ Giang. Nhưng hồng trần muôn vàn vẻ đẹp, rốt cuộc vẫn không có cách gì từ bỏ, đành lựa chọn ra đi như thế, ra đi trong bụi trần lơ lửng giữa ánh dương. Loáng thoáng nhớ rằng, Lệ Giang đã cầm một chén sương trong trong đóa sơn trà man mác tiễn biệt tôi lúc phân ly. Thế nhưng, đợi đến lúc tháng năm già đi, tôi nên lấy điều gì để nhớ về Lệ Giang của ngày hôm qua? Khung cảnh Nạp Tây đó, đóa mây trắng Lệ Giang đó, hoặc là những thứ khác, hay là điều gì cũng không phải?

Quyển thứ ba: Đạo tràng bồ đề

Chúng ta bước ra từ nơi hồng trần sâu thẳm nhất, băng qua ngàn non vạn nước; chỉ vì muốn đến kịp một cuộc ước hẹn của Thiền Phật. Chỉ vì ở bờ bên kia của cảnh xuân, ước chừng là phong cảnh hoa sen bừng nở. Núi xanh vạn dặm, nằm ngủ như Phật, vách đá giữ lời hẹn ước, cỏ cây có linh tính, thú điểu hiểu từ bi, vạn vật thế gian đều có Phật tính không thể nói ra. Cổ sát lâu đài ở chốn sâu rừng Thiền, là chốn về yên tĩnh cho những mây trôi chân trời, khách qua đường giữa nhân gian. Tại nơi này, có thể nhìn thấy những cao tăng tay chống thiền trượng, thong thả đến đi trong mây. Có thể nhìn thấy những khách dâng hương lưng đeo tay nải, dạo bước chầm chậm trên cổ đạo. Những biển biếc của ngày hâm qua, là nương dâu của ngày hôm nay; những ly tán của phút này, là tương phùng của ngày mai. Đạo Phật từ bi dạy chúng ta học cách buông bỏ, hiểu lòng cảm ân.

Phật quốc Phổ Đà

Sinh mệnh là một chuyến viễn hành mênh mang trong vắt, nhét những văn nhân và lịch sử vào tay nải, mang theo những tư tưởng và tình cảm ôn hòa, suốt dọc đường vừa vội vã hối hả rong ruổi, lại vừa nhàn nhã dạo bước, bốn mùa lưu chuyển, sương gió không hối hận. Khi lạnh lẽo đi tìm phồn hoa, trong hào quang đi tìm thanh đạm. Khi xa cách mong ước cuồng nhiệt, trong huyên náo ngưỡng mộ tĩnh lặng.

Ngày tháng bốn mùa, cảnh vật nhân gian đều chuyển tải khí vị tự nhiên của non nước, chứa đựng chân ý vô cùng của tuế nguyệt. Phong cảnh như một trạm dịch trên con đường nhân sinh, mỗi chuyến lưu đày đều giúp bạn đi từ tuổi trẻ tới trưởng thành, từ nông nổi tới sâu sắc, từ nóng vội tới trấn tĩnh. Một trạm này, đích đến là đạo tràng Quan Âm – núi Phổ Đà, nơi có Thiền cảnh bồ đề, được xưng tụng là Hải Thiên Phật Quốc.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .